28/4/08
Tôi không ưa anh ta!
Tôi không ưa anh ta!
Đó là ấn tượng trong lần đầu gặp gỡ với người đồng nghiệp vừa chuyển về.
Tôi không ưa đôi mắt luôn “láo liên” sau cặp kiếng cận dày cộm. Không ưa cả cái tên Tài và lời đồn thổi của giáo viên trong trường về cái tài dạy toán của anh thày trẻ đang dạy ở một trường có tiếng tại thành phố, bỗng dưng có nhã ý muốn chuyển về ngôi trường cấp hai nơi thị trấn heo hút này. Tôi không ưa không biết có phải do dị ứng thường tình của nghề nghiệp hay tôi đang bực bội vì có người đang nhăm nhe đến cái chức hiệu trưởng của mình?
- Anh được phân công là hiệu phó phụ trách giảng dạy. Nhưng báo trước để anh biết, luôn có nhiều khác biệt về thành tích học tập giữa báo cáo và thực tế. Chuyện làm thế nào để không ảnh hưởng đến uy tín của trường là phần việc của tôi. Công việc của anh là tìm biện pháp chuyên môn để giảm thiểu số lượng học sinh yếu hiện nay của trường.
- Dạ... thưa cô. Học sinh yếu ở trường mình có nhiều không ạ?
- Đằng nào thì anh cũng đã là người nhà. Nói thực với anh, nếu trung thực trong chuyện dạy thì có khối lớp phải cho ở lại nguyên lớp! Tất nhiên đó là chuyện không thể. Nhưng thôi. Đây cũng là phần việc sắp tới anh phải làm.
Tài lí nhí chào tôi ra về. Lễ phép như một học trò chào cô giáo. Nhưng tôi vẫn không thiện cảm chút nào với anh ta khi nhìn cặp mắt luôn nhấp nháy sau đôi kiếng cận.
Tôi hài lòng với buổi họp hội đồng giáo viên sau đợt kiểm tra chất lượng học sinh đầu niên học. Các thày cô thi nhau đăng ký chỉ tiêu học sinh khá, giỏi, cứ đà này thì năm nay học sinh sẽ lên lớp 100%. Tôi yên tâm vì cách làm của các đồng nghiệp, như thế uy tín của trường và danh hiệu nhà giáo ưu tú của tôi mới không bị ảnh hưởng.
Nãy giờ Tài vẫn ngồi yên lặng bỗng giơ tay đứng lên: “Được cô hiệu trưởng phân công là người chịu trách nhiệm chất lượng học tập của học sinh, thời gian qua tôi đã kiểm tra và nhận thấy trường ta còn quá nhiều em bị ngồi nhầm lớp. Mức độ thật đáng báo động vì thậm chí có em đang học lớp bảy mà vẫn chưa viết đúng tên họ của mình. Có lẽ chúng ta không nên lật lại quá khứ để kết tội cho ai. Vấn đề là trường chúng ta cần nhanh chóng có những thay đổi về quan điểm và cách dạy...”.
Tôi nổi nóng: “Theo anh thì xưa nay chúng tôi đã dạy sai, dạy dở?”.
Tôi biết đại từ “chúng tôi” đã tác động lên ánh nhìn thiếu thiện cảm của những giáo viên trong cuộc họp, nhưng Tài vẫn bình tĩnh như đã chuẩn bị từ trước: “Dạ thưa cô... có lẽ đó là chuyện chúng ta không nên tranh luận lúc này. Điều cần làm là tìm biện pháp tháo gỡ”.
Giọng nói tuy nhũn nhặn nhưng thái độ của Tài có vẻ cương quyết khiến bản lĩnh thủ trưởng của một giáo viên đã hơn hai mươi năm trong nghề như tôi trỗi dậy: “Thực trạng một số em học kém do thiểu năng thì lâu nay chúng tôi đã biết. Giờ đề nghị thày đề xuất phương pháp tháo gỡ”.
Điều làm tôi ngạc nhiên là thái độ tự tin và cách nói mạch lạc của Tài sau lời đề nghị của tôi. Phòng họp như bị cuốn theo khi nghe anh gợi lên niềm kiêu hãnh của một nhà giáo được làm nghề trung thực, không bị ràng buộc bởi một áp lực nào. Tài đề nghị năm nay nhà trường không đặt nặng chỉ tiêu thi đua. Từng lớp nên lập danh sách học sinh kém và giáo viên phụ trách phải bỏ thêm thời gian kèm phụ đạo. Cuối học kỳ, em nào không đủ khả năng lên lớp thì cứ cho ở lại. “Chúng ta sẽ mệt hơn trong công việc, nhưng tránh được mặc cảm vì có lỗi đối với thế hệ nối tiếp...”.
Tất nhiên tôi biết cấp trên đưa Tài về đây là đã có dụng ý. Nhưng hình như phần nào tôi cũng bị cuốn theo ánh mắt đậm nhiệt huyết của Tài. Được, để xem anh ta sẽ đối phó như thế nào.
Tôi nói: “Ở đây thày Tài là người có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn. Ngoài công việc quản lý, sắp tới trường sẽ dồn riêng một lớp 6 gồm các em học lực yếu để thày phụ đạo”.
Tài bình thản chấp nhận, coi như đó là nhiệm vụ mình cần phải làm. Cuộc họp giải tán với những nét ưu tư còn đọng lại trên khuôn mặt của nhiều người.
*****
Đối với tôi thì có lẽ Ngày Nhà giáo năm nay là một ngày buồn nhất trong đời. Nhà chỉ có hai mẹ con mà đứa con gái cưng cũng bỏ đi chơi từ sáng sớm. Chắc nó còn buồn vì vừa thi rớt đại học. Bạn đồng nghiệp trong trường cũng chưa thấy ai đến chơi. Có lẽ họ đang tranh thủ đến nhà thày Tài trước vì đã nghe phong phanh anh ta sắp thế chỗ của tôi. Tôi buồn vì nhà neo đơn mà mình lại sắp chuyển công việc đến một nơi xa gần 30 cây số. Đầu óc tôi đang rối bời thì nghe tiếng xe máy. Ông chú ruột đang làm ở phòng giáo dục đến chơi. Chưa bước vào nhà đã nghe tiếng ông oang oang: “Con Thoa đâu rồi? Có tin vui đây”.
Ông kéo ghế ngồi xuống và nói luôn khi tôi chưa kịp hỏi: “Phòng đã ngưng quyết định bổ nhiệm của tay Tài vì có đơn tố cáo”.
Tôi ngạc nhiên: “Ai tố? Mà tố chuyện gì?”.
“Đơn của một số phụ huynh tố tay Tài ép học sinh đến nhà học kèm và thu tiền học phí quá quy định. Dù là đơn nặc danh nhưng nó là một đảng viên nên tao đã đề nghị mấy ảnh dừng chuyện cất nhắc lại để xem xét”.
Có nghĩa là tôi vẫn được ở lại với công việc quen thuộc và gần nhà. Nhưng không hiểu sao trong lòng tôi lại cảm thấy không vui lắm. Dù sao thì ngoài cái tính xông xáo trong công việc, Tài đã sống rất chan hòa với đồng nghiệp. Tư cách của anh ta mấy tháng qua tôi đã hiểu. Thực tế từ lúc anh về trường, nhờ tính siêng năng của anh nên chất lượng học tập của những học sinh yếu đã nâng lên thấy rõ. Tôi đứng lên tiễn ông chú ra về mà lòng vẫn còn đầy ắp những thắc mắc.
Gần đến giờ cơm trưa thì Tài ghé chơi. Anh chào tôi rồi đặt gói gì đó trên bàn, xuống bếp lấy chén đĩa, mở gói lấy thứ gì trông giống như trứng vịt xếp vào đĩa. Nét mặt Tài vẫn bình thản như mọi ngày. Có lẽ Tài chưa biết chuyện anh bị tố cáo! Tài mời tôi ngồi rồi khoanh tay, giọng lễ phép: “Thưa cô! Đây là buổi gặp gỡ mà em đã chờ đợi hơn mười ba năm nay. Tuy cô không nhớ, nhưng em chính là đứa học trò bé nhỏ đã được cô thương yêu dạy dỗ ở ngôi trường làng ngày xưa”...
Tôi chưa hết ngạc nhiên thì Tài đã tiếp: “Hồi đó, em là đứa học trò lớp năm học yếu nhất trong lớp. Cô đã thương yêu và hằng ngày kêu em đến nhà kèm cặp. Biết em thèm trứng vịt lộn nên thỉnh thoảng cô mua cho em vài trứng...”.
Tài nói, đôi mắt anh đỏ hoe. Những giọt nước mắt của Tài khiến tôi nhớ lại...
Ngày xưa, khi tôi đang dạy cấp hai thì phải theo chồng về quê. Ở đó không có trường trung học nên tôi phải xin dạy cấp một. Tài là một trong những em học sinh ở ngôi trường nghèo đó. Một hôm tôi giảng bài về “hỗn hợp và dung dịch”. Để các em dễ hiểu, tôi hỏi: “Khi ăn trứng vịt lộn thì các em chấm với thứ gì?”. Cả lớp giơ tay trả lời là muối tiêu. Liếc thấy Tài ngồi ngơ ngác, tôi nạt: “Sao em không trả lời?”. Tài bỗng bật khóc hu hu. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì một em đứng lên nói: “Thưa cô. Nhà bạn Tài nghèo lắm. Có lúc em tới nhà thấy dì của bạn mua trứng lộn nhưng chỉ cho em bạn ấy ăn. Bạn Tài bảo: Mình thèm hột vịt lộn lắm nhưng chưa được ăn lần nào...”.
Câu chuyện của Tài làm tôi cảm động. Từ đó, tôi bảo em đến nhà mỗi ngày để dạy kèm và thương em như con. Sau đó chồng tôi mất. Tôi chuyển về dạy ở ngôi trường này. Lâu lắm rồi nên không còn nhớ chuyện cũ. Thì ra...
- Em mời cô xơi trứng ạ... Giọng Tài nhỏ nhẹ cất lên. Đôi mắt vẫn còn ướt đỏ. Tôi bóc quả trứng lộn, vị mặn của “hỗn hợp” muối tiêu sao bỗng dưng lại đậm đà thế? Tôi thấy hối hận vì mình đã bé nhỏ trước cậu học trò bé bỏng mồ côi ngày xưa. Tôi cứ ngồi yên lặng mãi cho đến khi Tài xin phép ra về.
Chiều tối, con gái tôi về, dẫn thêm một đứa bạn. Nó giới thiệu: “Đây là chị Thủy, đang học đại học năm cuối. Con đến nhà hỏi chị ấy kinh nghiệm học ôn để sang năm thi lại. À... mà chị ấy là em ruột của thày Tài mới về trường má đấy”.
Qua hỏi thăm, tôi mới biết sau khi tôi đi thì Tài được người cậu ruột đem về Sài Gòn nuôi ăn học. Bây giờ mẹ Thủy cũng đã mất nên Thủy về sống chung với người anh cùng cha khác mẹ là Tài. Khi sắp về, Thủy bỗng kéo tôi ra góc sân nói nhỏ:
- “Xin cô đừng hiểu lầm anh Tài, anh ấy tốt lắm. Cô biết không? Chính anh ấy đã làm đơn nặc danh tự tố cáo mình để cô khỏi chuyển đi trường khác đấy”.
Tôi thức đến một giờ sáng mới viết xong lá đơn kể hết mọi chuyện về Tài với lãnh đạo phòng giáo dục. Mặc kệ! Chuyện thuyên chuyển công tác cho phù hợp là công việc của tổ chức. Lòng tôi thấy thanh thản vì nghĩ: Con đường dạy học mình đã đi hơn hai mươi năm nay, sao còn e ngại đoạn đường chỉ xa vài ba chục cây số?...
Huỳnh Hải Âu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét