9/4/08

Phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm hướng tới tăng trưởng bền vững


Phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm hướng tới tăng trưởng bền vững
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu khách quan đối với nhiều quốc gia. Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp thì đó là con đường duy nhất, không thể bỏ qua để rút ngắn thời gian ra khỏi tình trạng kém phát triển và đuổi kịp các nước đi trước. Trong xu thế toàn cầu hoá, nền kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia, như là duy trì tốc độ tăng trưởng cao, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực, tạo nhiều công ăn việc làm, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống người lao động. Song các quốc gia cũng đứng trước những thách thức lớn, trước hết là phải đối mặt với những vấn đề kinh tế- xã hội của một xã hội toàn cầu đầy biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt; Lúc này ưu thế sẽ nghiêng về các quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và một xã hội ổn định.
Trong điều kiện mới, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào nguồn lực trí tuệ và tay nghề của con người, nguồn nhân lực là chủ yếu, thay vì dựa vào nguồn tài nguyên, vốn vật chất như trước đây.
Các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế gần đây cũng đã chỉ ra rằng động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là yếu tố con người, nguồn nhân lực. Nhưng con người phải được đầu tư phát triển, tạo lập kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo để trở thành "nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực".
Như vậy, phát triển nguồn nhân lực chính là đầu tư cho con người thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khoẻ, tạo việc làm, an sinh xã hội...nhằm phát triển thể lực, tri thức, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức, tay nghề; tính năng động và sức sáng tạo của con người; cùng với việc phát huy bản sắc nền văn hoá, truyền thống lịch sử dân tộc để hun đúc thành bản lĩnh, ý chí của con người trong lao động. Đó chính là nguồn nội lực, là yếu tố nội sinh, nếu được phát huy và sử dụng có hiệu quả sẽ là động lực, nguồn sức mạnh để phục vụ cho chính con người và xã hội.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam rất coi trọng yếu tố con người, nguồn nhân lực, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Có thể nói rằng phát huy tiềm năng nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập là khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2010; đảm bảo sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, rút ngắn được khoảng cách về sự phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới và nghiên cứu lý luận, Việt Nam đã đi đến kết luận rằng con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước. Cùng với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục ở mức cao và ổn định (từ 7%-7,5%/năm, năm 2006 đạt 8,2%, năm 2007 dự kiến là 8,5%), Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh vào " vốn con người" và đạt được kết quả quan trọng, tạo cho nguồn nhân lực Việt Nam có những lợi thế rất cơ bản:
- Việt Nam có quy mô dân số lớn và tháp dân số trẻ, được thế giới đánh giá là đang ở thời kỳ có “tháp dân số vàng”. Đến năm 2006, dân số Việt nam có trên 84 triệu người, quy mô lực lượng lao động lớn (45,6 triệu người), lao động tr? chiếm tỷ trọng lớn (45,6%) trong lực lượng lao động.
- Trình độ dân trí của nguồn nhân lực tương đối cao, tỷ lệ dân số biết chữ chiếm khoảng 94%, khoảng 97% lực lượng lao động biết chữ . Bản chất con người Việt Nam cần cù, yêu lao động, khéo tay và sáng tạo
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đang có xu hướng tăng lên, chất lượng lao động ngày một nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, của thị trường lao động. Đến năm 2007, lao động qua đào tạo đạt khoảng 28%, trong đó qua đào tạo nghề khoảng 23%. Chỉ số phát triển con người (HDI) được cải thiện đáng kể, từ 0,456 năm 1990 (xếp thứ 121), tăng lên 0,7090 (xếp thứ 109), vượt lên 12 bậc trong bảng xếp hạng HDI.
- Mọi người đều được tự do và có cơ hội trong tạo việc làm và tự tạo việc làm, tự do hành nghề, tự do thuê mướn lao động theo quy d?nh c?a pháp luật; giá nhân công vẫn ở trong thời kỳ rẻ (thấp hơn các nước trong khu vực 30-40%), hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Có thể nói, trình độ dân trí, vốn tri thức và tay nghề của nguồn nhân lực Việt Nam ngày một nâng cao và được phát huy là chìa khoá tiến vào khoa học, kỹ thuật và công nghệ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong những năm vừa qua, tạo bước phát triển đầy ấn tượng của đất nước trong thời kỳ đổi mới, là một trong những điều kiện cơ bản để Việt Nam Hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, với điểm xuất phát kinh tế thấp, khoảng cách về trình độ phát triển giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới còn rất lớn, trong khi cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt; đặc biệt, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, phấn đấu đến năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước kém phát triển và năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao cho nền kinh tế.
Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là qua đào tạo nghề còn thấp, chỉ bằng 1/3 các nước và các nền kinh tế công nghiệp mới (NICs, NIEs); trong số lao động qua đào tạo nghề, chỉ có khoảng 25% là được đào tạo dài hạn, trình độ cao nên kỹ năng, tay nghề còn yếu. Mặt khác, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp còn thiếu, kỹ năng nghề nghiệp, thể lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, trước hết ở thị trường yêu cầu lao động có trình độ cao và thị trường lao động ngoài nước. Đào tạo, dạy nghề chưa gắn chặt với yêu cầu của sản xuất, của thị trường lao động; ngành, nghề đào tạo vẫn chưa phù hợp với cơ cấu ngành, nghề mà xã hội đang cần, thiếu lao động quản lý, lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động dịch vụ cao cấp (tài chính, ngân hàng, du lịch…) cung cấp cho các ngành kinh tế quốc dân mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm và cho xuất khẩu lao động.
Thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động. Hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển khá, song chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, chưa thể tạo đủ việc làm cho lao động xã hội, chất lượng việc làm chưa cao, tính bền vững, hiệu quả trong việc làm còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn cao (5,10 % năm 2006) và tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn cũn nhi?u. Theo dự báo, dân số Việt nam đạt khoảng 88-89 triệu người vào năm 2010; với tốc độ tăng nguồn lao động 2,4-2,5%, mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, cộng với số chưa có việc làm của năm trước tồn đọng chuyển sang thì nhu cầu tạo việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu người/năm.
Thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra còn chậm. Lao động làm việc trong nông nghiệp chiếm 54,7%, lao động ở khu vực nông thôn chiếm chủ yếu (75%). Để giảm cơ cấu lao động nông nghiệp xuống dưới 50% vào năm 2010; khoảng 30-35% vào năm 2020 thì cần phải đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong nông nghiệp đồng thời với đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, dạy nghề cho nông dân chuyển sang làm việc ở khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của nguồn nhân lực nói riêng là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức to lớn đối với Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập. Thực tế hiện nay, ở Việt Nam năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao, hàm lượng lao động trí tuệ trong sản phẩm cũn thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chung của nền kinh tế chưa cao, mức năng suất lao động bình quân mới đạt khoảng 743 USD/lao động/năm, lợi nhuận bình quân trên 1 lao động xu hướng giảm; tiền lương không chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của người lao động, đời sống người hưởng lương gặp nhiều khó khăn, nên không tạo ra động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội .
Tiềm năng của nguồn nhân lực Việt Nam là rất lớn, song để phát triển, phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực phải tìm được những khâu và các giải pháp " đột phá", đặc biệt là các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo mở nhiều việc làm; cải cách căn bản chính sách tiền lương và thu nhập, tạo ra động lực cho người lao động; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội cho người lao động phù hợp với kinh tế thị trường...
Trong thời gian tới phải tập trung mọi nỗ lực, tạo ra bước chuyển biến trong một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, tăng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao chất lượng và thay đổi cơ cấu dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và lao động, con đường duy nhất là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về mọi mặt: sức khoẻ, trình độ dân trí, tri thức, tay nghề, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật, chấp hành luật pháp. Muốn vậy, phải phát triển, đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề, coi đó là khâu đột phá và phải đi trước một bước nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập.
Chưa khi nào Việt Nam cần nhiều lao động có trí tuệ và tay nghề, cần nhiều nhân tài như hiện nay. Bởi vậy, ngay từ bây giờ cần phải tập trung vào đào tạo, tăng nhanh bộ phận lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, nhất là những nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia kỹ thuật và đội ngũ lao động trình độ cao, có đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, đồng thời nhanh chóng phổ cập nghề cho số đông lao động phổ thông, nhất là thanh niên ở nông thôn nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng cường cơ hội và khả năng lựa chọn việc làm, tự tạo việc làm đảm bảo cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Mu?n v?y, phải phát triển tăng nhanh quy mô, mở rộng cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh của lao động. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia đào tạo, dạy nghề. Chuyển mạnh đào tạo, dạy nghề từ định hướng cung sang định hướng cầu của thị trường lao động, hình thành hệ thống kết nối giữa đào tạo, dạy nghề với doanh nghiệp, người sử dụng lao động d? đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và yêu cầu việc làm của người lao động.
Hai là, tạo nhiều việc làm, đi đôi với nâng cao chất lượng việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động.
Giải quyết việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia, là yếu tố quyết định để phát huy tiềm năng của nguồn nhân lực, ổn định và phát triển kinh tế, lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân. Khâu có tính đột phá là chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; đi đôi với tạo việc làm trong nước là chính, cần tập trung tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chuyên gia; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế luật pháp nhằm tiếp tục tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để mọi người đầu tư phát triển việc làm, cụ thể là:
- Tăng đầu tư xã hội cho phát triển; khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi công dân, mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước mở mang ngành nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động, trước hết cho phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền, phát triển khu vực dân doanh, phấn đấu đến năm 2010 cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hút khoảng 15 triệu lao động; đặc biệt coi trọng phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản, khôi phục và phát triển các làng nghề; khuyến khích mọi người tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động xã hội, nhất là trong kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã kiểu mới…
- Phát triển thị trường lao động trên phạm vi cả nước trên cơ sở tăng lao động làm công ăn lương có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao làm việc trong các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, ngành dịch vụ… Nhà nước đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng của thị trường lao động trong và ngoài nước (dạy nghề, thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm); đặc biệt hình thành các trung tâm giới thiệu việc làm ở 3 vùng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trong giao dịch việc làm, phát triển rộng rãi các website tìm việc làm trên Internet…
- Xuất khẩu lao động và chuyên gia được coi là mũi nhọn, góp phần làm giàu cho đất nước, cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phấn đấu hàng năm đưa khoảng 80 ngàn lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng các giải pháp đổi mới căn bản công tác đào tạo huấn luyện, chuẩn bị tốt nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước cả về sức khỏe, trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp và ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật lao động; phát triển thị trường hiện có và mở rộng thị trường mới về xuất khẩu lao động; quy hoạch và phát triển đa dạng hình thức, các thành phần kinh tế tham gia đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ trực tiếp để tạo việc làm, nhất là cho vay vốn các dự án nhỏ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm.
Ba là, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tạo động lực mới thông qua cải cách căn bản chính sách tiền lương
Để phát huy tiềm năng nguồn nhân lực Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề quan trọng là phải tạo ra động lực mới thông qua chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ lao động. Chính sách đó phải là một chính sách phân phối theo lao động, theo tài năng; phải thực hiện sự công bằng trong phân phối và khuyến khích, tôn vinh lao động sáng tạo, trọng dụng nhân tài, phát triển nhân lực.
Thực hiện cải cách căn bản chính sách tiền lương, tiền công và thu nhập, từng bước cải thiện chính sách tiền lương theo sự phát triển kinh tế - xã hội và tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội; kết hợp với cải cách trợ cấp của người nghỉ hưu, người có công và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực hiện chủ trương xã hội hoá đối với khu vực sự nghiệp, nhằm tạo điều kiện đổi mới chế độ tiền lương của khu vực này. Thực hiện cơ chế tiền lương mới trong khu vực sản xuất kinh doanh, bảo đảm tiền lương khu vực này do thị trường quyết định, phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu lao động, có sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ lao động; các doanh nghiệp được tự chủ trong việc trả lương và tiền thưởng trên cơ sở năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp; góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, giảm tranh chấp lao động và đình công.
Bốn là, tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội .
Trong kinh tế thị trường và hội nhập, nguy cơ rủi ro đối với người lao động là rất lớn. Để đảm bảo an toàn việc làm, an toàn thu nhập cho người lao động cần phải tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đối với người lao động theo hướng đa tầng, linh hoạt và hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp v những hình thức trợ giúp xã hội khc nhằm tạo quyền bình đẳng trong việc tham gia bảo hiểm xã hội của mọi người lao động cũng như chăm sóc những đối tượng yếu thế trong xã hội./.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Không có nhận xét nào: