11/4/08

Ba nguyên tắc lãnh đạo thường bị bỏ quên


Ba nguyên tắc lãnh đạo thường bị bỏ quên


Các nhà lãnh đạo luôn biết làm gì để tạo động lực và giữ chân nhân viên giỏi. Tuy nhiên, đôi khi trong những giây phút căng thẳng, hầu hết họ lại quên mất một số điều thiết yếu…

Bài viết sau sẽ tóm tắt ba điểm quan trọng mà các nhà lãnh đạo nên ghi nhớ.

Nhân viên muốn làm việc. Douglas MacGregor, nhà tâm lý học ở Harvard, đã hướng dẫn cho nhiều thế hệ lãnh đạo biết cách đối xử với nhân viên để tạo ra sự khác biệt.

Xem cấp dưới như kẻ tôi tớ, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ nhưng hiệu quả không cao. Trái lại, nếu đối xử bình đẳng, ngang hàng với họ, họ sẽ làm việc hết mình.

Hầu hết các nhà quản lý đều nghĩ rằng nếu đánh giá cao nhân viên thì họ sẽ lên mặt, tự cao. Điều đó có thể đúng với một số ít người, còn đa số lại không như vậy.

Nhân viên khi được khen ngợi sẽ cảm thấy công việc tiến triển tốt đẹp.

Người lãnh đạo phải có nhiệm vụ quan tâm đến nhân viên và công ty.

Liệu có trường hợp ngoại lệ không? Tất nhiên là có, nhưng bất cứ ai đọc những lá đơn xin nghỉ việc cũng sẽ thấy những nhân viên hài lòng với công việc thường rời bỏ công ty chỉ vì cho rằng sếp không quan tâm đến họ.

Nhân viên cũng có cảm xúc. Bạn trải qua một ngày tồi tệ? Bộ phận kế toán chưa hoàn tất đúng báo cáo phí tổn khiến bạn lao đao? Sếp của bạn cứ bám sát sau lưng?

Hãy cố gắng vượt qua những chuyện đó. Nếu không thể kiềm chế cũng đừng "giận cá chém thớt", trút tức giận lên đầu nhân viên.

Đừng bắt họ phải gánh chịu thêm vấn đề của riêng cá nhân bạn. Những nghiên cứu về sự bất mãn của cấp dưới cho thấy nhân viên bị xáo trộn, bối rối khi sếp trở nên cục cằn.

Và nếu bạn lỡ phát cáu với họ thì hãy lập tức xin lỗi. Điều đó sẽ giúp bạn có được sự tin cậy.

Nhân viên có cuộc sống của họ. Có thể bạn dành toàn tâm toàn ý cho công việc; có thể mọi nguồn vui trong cuộc sống của bạn bắt nguồn từ công việc. Nhưng nhân viên không hẳn cũng có tư tưởng giống bạn.

Đối với một số người, làm việc chỉ để kiếm tiền. Cũng có vài người cho rằng công việc là niềm vui nhưng không phải điều quan trọng độc nhất.

Bạn hãy tôn trọng ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Vì thế hãy suy nghĩ kỹ trước khi giao một núi công việc của cả tuần cho nhân viên vào chiều cuối tuần với mệnh lệnh “Hãy hoàn thành nó vào thứ hai!”.

Bạn có thể nghĩ đến nhiều nhiều nguyên tắc hơn, nhưng chúng chỉ dành cho những người mới chập chững trong vai trò lãnh đạo. Và bởi vì chúng ta đang thiết lập những nguyên tắc, còn những nguyên tắc nào khác nữa?

Nguyên tắc quan trọng, chúng không chỉ mang đến lợi ích cho cấp trên mà còn là tiêu chuẩn xử sự của họ.

Bạn có thể liều lĩnh phá bỏ nguyên tắc, nếu vậy một lần nữa bạn phải đối mặt với chuyện mất đi nhân tài và phải bắt tay lại từ đầu trong tất cả các quy trình, từ tuyển dụng, lựa chọn và đào tạo. Đó là những công việc rất tốn kém.


Theo nghiên cứu của tổ chức Right Management, chi phí cho quy trình trên cao gấp hai lần mức lương cần phải trả cho các nhân viên.

Thế nên, nếu bạn không tin vào những nguyên tắc này thì hãy nhớ nguyên tắc quan trọng của các Giám đốc Điều hành: Tài chính. Nếu bạn phá vỡ nguyên tắc, chỉ có thể giảm bớt thiệt hại bằng cách lấy chính đồng lương của bạn bù vào những khoản tổn thất!

Bạn nghĩ người lãnh đạo thường quên đi những nguyên tắc nào?

- Trích chuyên mục “Conversation Starter” của John Baldoni trên trang Harvard Business Online -

Nguồn: Tuanvietnam.net

Không có nhận xét nào: