29/9/07

Thiếu hụt nguồn nhân lực


Thiếu hụt nguồn nhân lực
Kim Dung

Theo dự báo của các chuyên gia lao động, năm 2007, thị trường trong nước tiếp tục khan hiếm lao động cấp cao; lao động bậc trung và phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) cũng thiếu.

Tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, trong năm 2007, 15 KCN, KCX của Thành phố cần tuyển 51.750 lao động, trong đó 38.295 lao động phổ thông. Còn tại Bình Dương, theo bà Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý lao động các KCN Bình Dương, trong năm 2007, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các KCN là 20.000 người. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 85%, số còn lại tập trung vào lao động có tay nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.

Phản ánh từ các trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) ở TP.HCM cho thấy, quý I/2007, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông tăng vọt, nhưng số ứng viên đến đăng ký tìm việc làm lại giảm. Sự khan hiếm lao động này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng đó lại là tín hiệu tốt, khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt để thu hút và giữ chân người lao động, thì họ buộc phải tăng cường cải thiện đời sống và sinh hoạt cho người lao động. Từ đó, người lao động có thể yên tâm làm việc lâu dài, với mức thu nhập có thể trang trải được cuộc sống tốt hơn.

Dịch chuyển lao động ở các KCX, KCN tại TP.HCM đã và đang ngày càng rõ nét, tạo ra những nguy cơ về thiếu hụt lao động khi cân đối lại các ngành nghề. Theo phân tích của Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA), những năm tới, nhu cầu lao động sẽ thay đổi theo từng ngành nghề, theo hướng giảm dần các ngành thâm dụng lao động trình độ thấp, ưu tiên các ngành sản xuất công nghệ cao sử dụng nhiều công nhân lành nghề, lao động kỹ thuật bậc cao.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL TP.HCM cho biết, qua khảo sát 2.300 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các nhóm ngành: kỹ thuật - công nghệ phục vụ sản xuất, điện tử - viễn thông, cơ khí chính xác, công nghệ - thông tin, chế biến thực phẩm cần 30% lao động lành nghề; các nhóm ngành quản trị kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo, kế toán, ngân hàng, dịch vụ du lịch cần 30%; 40% còn lại tập trung vào công nhân có tay nghề, lao động phổ thông các ngành may, giày da, chế biến thực phẩm.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có đội ngũ lao động kỹ thuật với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Thế nhưng, trên thực tế, công tác đào tạo nguồn nhân lực của TP.HCM đang bộc lộ những bất cập, mất cân đối cả về cơ cấu ngành nghề và chất lượng. Đào tạo nghề chưa thích ứng với thị trường lao động. Chưa có chính sách thu hút trọng dụng người tài, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng lành mạnh.

Ông Ng Gek Boo, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, gia nhập WTO, Việt Nam phải đương đầu với nhiều thách thức, đặc biệt là trong thị trường lao động. Trong quá trình đó, sự chuẩn bị của Chính phủ, của quốc gia là rất quan trọng. Những định chế cần mang tính mềm dẻo để có thể bảo vệ cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Nói cách khác, cả người lao động và người sử dụng lao động cần tự điều chỉnh để đáp ứng được thách thức và yêu cầu của thị trường mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp quan tâm đến mức lương và đời sống của người lao động hơn sẽ góp phần hạn chế người lao động bỏ việc. Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đối với nhân lực cao cấp, các doanh nghiệp phải thực sự nhập cuộc, bởi cuộc chiến giành nhân tài giữa các doanh nghiệp càng trở nên khốc liệt. Vì vậy, để tránh áp lực thiếu hụt, mất cân đối về lao động, các doanh nghiệp phải có lộ trình cho kế hoạch đào tạo, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh theo từng thời điểm; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa để đem lại sự phát triển bền vững.

Theo Đầu tư 21/5/2007

Không có nhận xét nào: