27/9/07

Thực chất về văn hoá doanh nghiệp


Trước hết, chúng ta thường nghĩ văn hoá là những điều gì đó tốt đẹp nhất của dân tộc. Đây là tâm lý rất bình thường vì nó chính là động lực duy trì truyền thống văn hoá qua nhiều thế hệ và là suy nghĩ phổ biến của mọi dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì không đủ vì xu hướng cho văn hoá của dân tộc mình là nhất, là cơ sở để xét đoán văn hoá dân tộc khác đang là nguyên nhân gây ra những xung đột văn hoá khắp nơi trên thế giới.

Cần hiểu văn hoá là những giá trị, thái độ và hành vi giao tiếp được đa số thành viên của một nhóm người cùng chia sẻ và phân định nhóm này với nhóm khác. Không thể đánh giá văn hoá này là vượt trội hơn văn hoá kia, không thể có giá trị văn hoá đúng, sai; đẹp hay xấu. Ví dụ đạo Hồi không khuyến khích việc cho vay tiền lấy lãi – các ngân hàng Hồi giáo áp dụng cơ chế chia sẻ lợi nhuận và thua lỗ là một biện pháp kinh doanh chưa chắc đã thua kém gì hệ thống ngân hàng phương Tây.

Riêng với văn hoá doanh nghiệp, dù tồn tại cùng lúc với sự ra đời của doanh nghiệp, chỉ mới trở thành đề tài thời thượng ở một số nước phương Tây từ đầu thập niên 1980. Lúc đó nhiều người bắt đầu cho rằng sự vượt trội của doanh nghiệp nằm ở sự hoà đồng của mọi thành viên trong suy nghĩ, hành động vì những mục tiêu được mọi người cùng chia sẻ. Tuy nhiên, chính những nhà nghiên cứu về văn hoá nổi tiếng như Geert Hofstede từng cảnh báo: “Không khéo văn hoá doanh nghiệp sẽ là một loại tài sản tâm lý của một tổ chức, có thể dùng để tiên đoán tài sản tài chính của tổ chức này sẽ như thế nào trong năm năm nữa”. Ý ông ta muốn nói vấn đề văn hoá doanh nghiệp có khả năng bị lạm dụng để biến thành một công cụ trong nhiều công cụ khác nhằm quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận của người chủ.

Giá trị văn hoá nói chung và giá trị văn hoá doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt. Trong khi đa phần giá trị văn hoá con người có được là nhờ quá trình học hỏi khi còn rất nhỏ để đến khi lớn lên chúng trở thành những giá trị được chấp nhận một cách vô thức, tự nguyện, giá trị văn hoá doanh nghiệp tuy được mọi thành viên chia sẻ (nếu không chia sẻ ắt phải chịu cảnh bị bỏ ngoài rìa hay bị loại bỏ khỏi tổ chức) nhưng chưa chắc là do tự nguyện. Giá trị này có thể chỉ được tôn trọng trong giờ làm việc còn đến khi thành viên ra khỏi môi trường doanh nghiệp về với gia đình hay bạn bè, họ sẽ tự động quay về với những giá trị có khi ngược hẳn giá trị kia. Nói cách khác, trong môi trường doanh nghiệp, văn hoá thể hiện qua hành vi hơn là giá trị.

Văn hoá doanh nghiệp dù có cố ý xây dựng hay không vẫn tồn tại ở doanh nghiệp. Một công ty có ông giám đốc mang tính gia trưởng thích điều hành công việc như một ông bố, nhân viên là con cái thì văn hoá ở công ty ấy là văn hoá gia trưởng. Ở một công ty khác, nếu nhân viên hiểu rằng phải cạnh tranh nhau thật quyết liệt để giành khách hàng, đạt doanh thu cao nhất lập tức đã hình thành một dạng văn hoá cạnh tranh. Người ta nghiên cứu thấy văn hoá doanh nghiệp thường xoay quanh các trục:
hướng đến kết quả hay hướng đến quy trình;
chú trọng đến nhân viên hay chú trọng đến công việc;
hệ thống mở hay hệ thống khép kín;
môi trường thoải mái hay môi trường chuyên nghiệp…
Những người chủ có năng khiếu quản lý một hôm bỗng nhận ra rằng để đạt được mục tiêu mình đặt ra, cần khuyến khích một số cách ứng xử và ngăn cản một số hành vi khác. Chẳng hạn, để chạy việc phải làm sao giữ nhân viên lại dù đã hết giờ để làm cho xong. Nếu viết thành quy tắc bắt buộc chưa chắc đã đạt hiệu ứng mong muốn chưa kể có thể rách việc với cơ quan quản lý lao động. Thế là văn hoá doanh nghiệp ra đời, sao cho mọi người ở công ty này tự nguyện làm theo tinh thần “hết việc chứ không hết giờ” một cách vui vẻ, hãnh diện. Nghệ thuật quản lý là ở chỗ làm sao biến những điều có lợi cho sự nghiệp phát triển doanh nghiệp thành giá trị được chia sẻ cho mọi thành viên.

Như vậy, xây dựng văn hoá doanh nghiệp với ý đồ tốt, người chủ doanh nghiệp phải làm sao xây dựng những giá trị hài hoà được lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của đa số thành viên – biến chúng thành giá trị được thật sự chia sẻ chứ không phải là giá trị áp đặt. Giỏi hơn nữa là cố gắng kết hợp giá trị của doanh nghiệp sao cho gần với gia trị văn hoá dân tộc là đẹp nhất.

Đến đây chắc chúng ta đã thấy những tầng lớp biểu hiện của văn hoá doanh nghiệp – từ cách bài trí, đồng phục đến nề nếp ứng xử, hành vi giao tiếp, từ các biểu tượng đến “triết lý kinh doanh” suy cho cùng chỉ là vấn đề kỹ thuật thể hiện nghệ thuật quản lý đã nói ở trên. Một nhà quản lý giỏi không chỉ biết xây dựng chiến lược phát triển mà còn xây dựng được “văn hoá doanh nghiệp” phục vụ cho chiến lược đó và chiếm được niềm tin của nhân viên cùng hướng về mục tiêu chung.
Trong ý nghĩa đó, những lời kêu gọi doanh nghiệp phải xây dựng văn hoá công ty như một nghĩa vụ xã hội thật vô nghĩa chẳng khác nào kêu gọi doanh nghiệp xây dựng một nền tài chính lành mạnh. Chuyện xây dựng “văn hoá kinh doanh” để ngăn chặn lối làm ăn chụp giật, lừa đảo, thiếu chữ tín, hay chạy chọt mưu cầu lợi nhuận bằng quan hệ là một vấn đề hoàn toàn khác, hy vọng sẽ được đề cập ở một dịp khác.
Website ›
vanphu.blogspot.com

Không có nhận xét nào: