27/9/07

Lắng nghe chủ động

Lắng nghe chủ động

Trong giao tiếp, việc nói thường được xem trong thế chủ động còn việc nghe thường được xem trong thế bị động. Nhưng trên thực tế “Chăm chú lắng nghe” là một kỹ năng khó, và không thể nghi ngờ gì khi nói tới sự cần thiết của kỹ năng này đối với một người cán bộ hỗ trợ hay một giảng viên. Chăm chú lắng nghe không đơn thuần là lắng nghe những lời được nói ra, mà ở đây phần nhiều là sự lưu tâm tới người gửi thông điệp, cố gắng hiểu anh/chị ta theo tất cả các khía cạnh mà người muốn gửi thông điệp muốn diễn tả, hoặc rõ ràng hoặc ẩn ý, hoặc thành lời hoặc không thành lời.

Mô hình 4 khía cạnh của một thông điệp có thể giúp các bên trong giao tiếp hiểu điều bên kia muốn nói. Người nhận thông điệp có thể hỏi lại cho rõ (xem lại ví dụ về thông điệp không tương đồng). Người nhận có thể đáp lại xem anh ta đã hiểu gì, cũng như có thể nói anh ta nghĩ đâu là phần ẩn ý của thông điệp. Kỹ năng như vậy góp phần tạo nên một cán bộ hỗ trợ hoặc một giảng viên giỏi. Trong thực tế, kỹ năng này giúp nâng cao chất lượng giao tiếp thông thường và bởi vậy cũng cải thiện quan hệ giữa người với người cả ở môi trường làm việc chung cũng như trong những môi trường riêng.

Biết lắng nghe khó hơn chúng ta tưởng

Lắng nghe tưởng chừng như một việc rất dễ làm. Nhưng trên thực tế, chúng ta cho là chúng ta đang lắng nghe nhưng thực ra chúng ta chỉ nghe những điều mình muốn nghe. Đây không phải là một quá trình có chủ tâm mà gần như là một quá trình tự nhiên. Tuy nhiên, chú ý lắng nghe, tìm ra những khía cạnh tích cực, những vấn đề khó khăn lại là kỹ năng hỗ trợ cơ bản nhất. Do vậy chúng ta nên cố gắng hiểu rõ những điều ẩn chứa dưới những gì ta nghe được và cũng làm tương tự như vậy khi muốn cải thiện kỹ năng nghe của mình. Danh sách được liệt kê dưới đây được gọi là những rào cản cho việc lắng nghe, làm ảnh hưởng đến việc nghe đúng và chính xác. Nếu bạn hiểu rõ về các rào cản này thì bạn cũng dễ dàng vượt qua chúng.

Rào cản với việc lắng nghe

Lắng nghe kiểu "bật - tắt"

Thói quen lắng nghe không hay này xuất phát từ thực tế là hầu hết mọi người suy nghĩ nhanh gấp 4 lần tốc độ nói (trung bình). Do vậy, cứ mỗi phút lắng nghe, người nghe có khoảng 3/4 phút "rảnh rỗi không cần suy nghĩ". Đôi khi, thay vì lắng nghe, liên hệ và tóm tắt những gì người ta đang nói, người nghe sử dụng thời gian dôi thừa đó để nghĩ đến các chuyện riêng tư hay những rắc rối của mình. Điều này có thể khắc phục bằng cách chú ý hơn không chỉ vào bài phát biểu mà quan sát cả ngôn ngữ của cơ thể như cử chỉ, sự do dự..

Lắng nghe kiểu phản ứng

Đối với một số người, một số từ gây nên sự phản ứng, cũng như tấm vải đấu bò với con bò. Khi họ nghe thấy những từ đó, họ trở nên lo âu và không nghe nữa. Việc này có thể xảy ra đối với các thành viên ở mọi nhóm, nhưng với một số người thì phổ biến hơn chẳng hạn các bộ tộc, người da đen, giới tư bản, những người cộng sản... Một số từ mang nhiều ẩn ý có thể làm cho người ta phản ứng lại ngay người nói. Người nghe không còn muốn tiếp tục nghe nữa và họ cũng không hiểu gì về người nói.

Tai mở - nhưng đầu thì không lắng nghe

Đôi khi, người nghe nhanh chóng cho là người nói hoặc chủ đề rất nhàm chán và những gì đang được nói đến là không hợp lý. Thường thì họ đi ngay đến kết luận là họ có thể hoàn toàn đoán được là anh ấy (hay cô ấy) sẽ nói gì. Do vậy, họ cho rằng chẳng có lý do gì mà phải nghe vì chẳng có gì mới mẻ đối với họ cả.

Lắng nghe với ánh mắt đờ đẫn

Đôi khi "người nghe" nhìn người nói hết sức chăm chú và dường như là đang lắng nghe dù đầu óc họ đang ở nơi nào đó xa với. Họ suy nghĩ một cách thoải mái với các ý nghĩ trong đầu. Họ có một ánh mắt đờ đẫn và thường trông mơ màng hoặc vẻ lơ đãng biểu hiện trên mặt họ. Nếu chúng ta thấy nhiều học viên có ánh mắt lơ đãng trong lớp học, chúng ta cần phải tìm được thời gian thích hợp để cho nghỉ giải lao hay thay đổi cách thức.

Vấn đề đưa ra quá sâu đối với người nghe

Khi phải nghe những ý kiến quá phức tạp, chúng ta thường phải cố gắng theo và nỗ lực rất nhiều để có thể hiểu được. Nghe và hiểu được những vấn đề đó, chúng ta sẽ thấy rất thú vị. Thông thường, nếu một người không hiểu thì người khác cũng không hiểu, do vậy cả nhóm cần yêu cầu giảng giải kỹ và đưa ra các ví dụ minh hoạ.

Lắng nghe theo kiểu "bị ném đá"

Ai cũng vậy, thường không thích các ý tưởng, định kiến hay quan điểm của mình bị phản đối; rất nhiều người còn thấy khó chịu nếu ý kiến của mình bị nghi ngờ. Do vậy, khi người nói đề cập đến vấn đề gì đó người nghe cho là không đúng họ sẽ không nghe nữa và thậm chí có ngay những phản ứng tiêu cực. Tốt hơn là hãy lắng nghe và tìm hiểu những ý nghĩ của người nói để hiểu được mọi khía cạnh của vấn đề và sau đó đưa ra những phản ứng mang tính xây dựng.

( Theo sách TOT, GTZ, 2004)


Không có nhận xét nào: