27/9/07

Phát triển nguồn nhân lực

Nhân lực cao cấp: “Việt Nam đang thiếu trầm trọng” In E-mail
42-18078880Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề lớn là nguồn nhân lực cấp cao.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn bà Đào Phương Thuý, Giám đốc Công ty Tư vấn thương mại và tài chính PTI về vấn đề này.

Bà đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực cấp cao của Việt Nam hiện nay và tầm quan trọng của việc phải đào tạo nguồn nhân lực “có chất xám” để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

Việc thiếu nguồn nhân lực cấp cao là vấn đề tất yếu của các nước đang phát triển như Việt Nam.

Hiện nay, thực tế tại nhiều tập đoàn tư nhân của Việt Nam cho thấy, do thiếu nguồn nhân lực cấp cao trầm trọng, ông chủ đang phải đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc cho hàng chục công ty con của mình.

Nhân sự giỏi luôn luôn là yếu tố quyết định thành công của tất cả các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phần lớn các công ty Việt Nam lại chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực, cũng như thiếu hẳn cơ chế tài chính rõ ràng để thu hút và giữ được nhân tài.

Hiện nay, các trung tâm đào tạo tại Việt Nam đang đưa ra nhiều chương trình đào tạo các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Bà đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo của những khoá học này và ứng dụng thực tiễn của các chương trình đào tạo vào công tác quản trị doanh nghiệp?

Bản thân tôi đã từng tham gia khoá học MBA của trường Henley - Anh quốc và tôi đã nhận được rất nhiều kiến thức từ khoá học.

Mức độ đòi hỏi cao của chương trình qua những đề tài mang tính ứng dụng cao và những bài thi phát triển chiến lược, quản trị cho các loại hình công ty đa dạng đã giúp tôi rất nhiều trong việc quản lý PTI hiện nay, cũng như tư vấn giải pháp quản trị doanh nghiệp và quản trị tài chính cho các khách hàng.

Một số các giám đốc tài ba của các công ty thành công của Việt Nam cũng đã tham dự các khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp của các trường đại học Việt Nam và đã ứng dụng các kiến thức học được ở trường để phát triển chính sách nhân sự tốt, xây dựng các chương trình marketing, xây dựng hệ thống thông tin, và phát triển kế hoạch kinh doanh ngắn, trung và dài hạn cho doanh nghiệp mình cũng như tổ chức quản lý việc thực hiện các kế hoạch này.

Tuy nhiên, một thực tế tại rất nhiều các tổ chức đào tạo Việt Nam là các thầy nhiều khi lại chưa từng “một ngày” thực hiện các công việc mà học viên mình đang làm – vì vậy sẽ thật khó khăn để đánh giá chất lượng thực sự của các khóa học này.

Được biết, PTI và Indochina Pro đang triển khai một số chương trình đào tạo “Giám đốc tài chính” để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính của doanh nghiệp. Bà có thể cho biết tính ưu việt của chương trình là gì? Khả năng ứng dụng các kiến thức và giải pháp từ chương trình đào tạo vào điều hành doanh nghiệp sẽ được thể hiện như thế nào?

Chương trình “Giám đốc tài chính” thực hành mà chúng tôi kết hợp cùng Indochina Pro tổ chức tại cả Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh là chương trình để chúng tôi thực hiện tâm huyết chia sẻ các kinh nghiệm thành công của những người làm nghề “Giám đốc tài chính” để các doanh nghiệp Việt Nam phần nào khắc phục được điểm yếu về quản trị tài chính của mình.

Chúng tôi xây dựng chương trình dựa trên những kinh nghiệm thành công thực tế của rất nhiều các giám đốc tài chính trong các lĩnh vực khác nhau với mục đích: giúp doanh nghiệp đào tạo các giám đốc tài chính tương lai theo những kỹ năng chuẩn, để họ có thể nhanh chóng áp dụng những kỹ năng này cho doanh nghiệp, sau khi hoàn tất chương trình; xây dựng tính thực hành cao của chương trình; nâng cao tính ứng dụng và mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Để không ngừng cập nhật kiến thức và tạo ra một cộng đồng các giám đốc tài chính, chúng tôi sẽ thành lập câu lạc bộ các giám đốc tài chính sau khi kết thúc khoá đầu tiên.

Các hội viên sẽ được truy cập vào website để cập nhật thông tin và kiến thức, được tham dự một số hội thảo miễn phí, được hưởng một số giờ tư vấn miễn phí và được kết nối với các nhà đầu tư, ngân hàng trong việc thu xếp vốn cho doanh nghiệp.

Là người đã có gần 17 năm kinh nghiệm ở vị trí cấp cao tại các tập đoàn lớn của nước ngoài. Bà nghĩ thế nào về nghề giám đốc tài chính cũng như nỗ lực của PTI nhằm cung ứng đội ngũ giám đốc tài chính cho Việt Nam trong tương lai?

Nghề giám đốc tài chính đòi hỏi bạn phải có nhiều khả năng và kinh nghiệm đa dạng.

Người đứng ở vị trí này phải giỏi về kế toán, hiểu biết về hệ thống thông tin và IS, có khả năng hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch tài chính, nắm vững các nguyên tắc kiểm soát nội bộ, am hiểu về các sản phẩm tài chính, ngân hàng để có thể đưa ra các giải pháp giảm chi phí tài chính và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần phải có khả năng cơ cấu tài sản-nợ-vốn tối ưu để đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, gia tăng giá trị doanh nghiệp, có khả năng marketing để bán cổ phần của doanh nghiệp cho nhà đầu tư với giá trị cao nhất, có khả năng lãnh đạo.

Những yêu cầu này đủ để bạn hình dung, để trở thành một giám đốc tài chính thực sự sẽ cần phải khổ luyện như thế nào.

Tuy nhiên, nếu bạn biết “đứng trên vai những người khổng lồ”, bạn có thể rút ngắn chặng đường đó hơn rất nhiều.

PTI chúng tôi với các chuyên gia đã và đang là các giám đốc tài chính giàu kinh nghiệm sẽ đóng góp cho các doanh nghiệp Việt Nam kỹ nghệ giám đốc tài chính của những “người khổng lồ” đó.

Với tâm huyết của những người làm nghề, chúng tôi hy vọng rằng chương trình “Giám đốc tài chính thực hành” cùng với các chương trình khác sẽ phần nào gia tăng nguồn lực giám đốc tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Thanh

Không có nhận xét nào: