19/3/08

Đối thoại với nhà trường


Đối thoại với nhà trường

TT - Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 9-3-2008 có bài viết “Đối thoại với các doanh nghiệp” của tác giả Nguyễn Minh Hòa. Vốn là một doanh nhân, có tham gia giảng dạy chút ít (mỗi tuần mấy buổi) gần mười năm qua, xin mạn phép được trao đổi lại đôi điều cùng tác giả.

Tác giả viết “mục tiêu đào tạo cử nhân không phải là để làm việc sự vụ như pha trà, chạy công văn, đánh máy văn bản, trực điện thoại mà để giải quyết các vấn đề phức tạp hơn”. Chẳng ai nói mục tiêu đào tạo đại học là làm việc sự vụ, nhưng phải bắt đầu từ những việc sự vụ. Không biết làm những việc nhỏ nhặt, cụ thể thì làm sao đủ khả năng làm chuyện lớn lao? Việc học cũng phải từ thấp đến cao.

Nhân viên các công ty cũng vậy, nhất là các công ty vừa và nhỏ. Ở đó, họ chia sẻ với nhau mọi công việc, sẽ không có người nào chỉ làm việc sự vụ hoặc chỉ làm việc phức tạp. Hèn chi cách đây vài năm, các sinh viên du học ở New Zealand khi thực tập vệ sinh toilet đã ầm ĩ viết thư, điện thoại về nhà bảo các công ty tư vấn lừa khách hàng và không ít nhà báo lúc đó đã đồng thanh lên án chỉ vì thiếu hiểu biết!

Ở các nước, sinh viên học ngành quản trị khách sạn phải bắt đầu học từ việc lau chùi nhà vệ sinh, còn ở Việt Nam thì không, dưới mắt tác giả, học đại học là để “giải quyết các vấn đề phức tạp hơn”, để làm quan? Làm lãnh đạo? Nếu nhà trường bớt phần lý thuyết cao xa viển vông thì sinh viên và cả doanh nghiệp đều đỡ khổ vì không phải “đào tạo lại hay đào tạo mở rộng” như ý kiến tác giả.

Cứ so sánh chương trình và phương pháp giảng dạy, chẳng có đại học nước nào như ở Việt Nam. Cái mà doanh nghiệp và xã hội đang cần thì nhà trường không dạy hoặc dạy rất qua loa. Cái mà nhà trường đang cố nhồi nhét thì xã hội và doanh nghiệp chưa cần. Khi tham gia giảng dạy, tôi luôn yêu cầu sinh viên “xuống đất giùm (các bạn đang ở trên trời), học ngay những điều cụ thể”.

Tác giả khẳng định “các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng vai trò khán giả và là nhà bình luận..., không trả một xu nào cho đào tạo”. Doanh nghiệp là người mua sản phẩm của nhà trường và họ có quyền nhận xét. Họ cũng không phải là khán giả hay nhà bình luận. Họ đóng thuế và làm đủ nghĩa vụ với Nhà nước, sinh viên cũng đã đóng học phí đầy đủ cho nhà trường, cả trường công giờ cũng đóng học phí dù đã được Nhà nước hỗ trợ một phần. Chả lẽ bắt các doanh nghiệp nuôi nhà trường? Họ có thể kiện nhà trường vì sản phẩm kém, vừa tốn sức đào tạo lại vừa tốn tiền thử việc mà lắm lúc vẫn chưa đạt yêu cầu.

Còn việc tham gia các quĩ học bổng, nghiên cứu hay giải thưởng khoa học... lại là việc khác. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đang tham gia rất nhiều quĩ khuyến học, chưa ai tổng kết nhưng cả nước mỗi năm cũng lên tới vài trăm tỉ đồng.

Tác giả viết “rất ít doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập”. Nhà trường hãy tự xem lại mình. Cứ dạy lý thuyết quanh năm, gần thi tốt nghiệp mới viết giấy giới thiệu và công văn (cứ như cấp trên) đưa sinh viên xuống thực tập vài tháng. Thay vì có kế hoạch phối hợp hỗ trợ từ xa để sinh viên được thực hành quanh năm thì các trường lại “đồng khởi” ép doanh nghiệp nhận vài tháng.

Chẳng doanh nghiệp nào liều lĩnh cho sinh viên chỉ học toàn lý thuyết làm thử cả. Trước khi thực tập phải kiến tập. Lịch học kín đặc, cả thứ bảy, chủ nhật cũng học, sinh viên thực tập vào lúc nào? Tác giả trách “doanh nghiệp không mặn mà với việc tài trợ cho giáo dục... từ chối tài trợ các hội thảo khoa học, giải thưởng nghiên cứu khoa học... Giá như họ biết rằng nghiên cứu khoa học sinh viên hạng nhất của Bộ Giáo dục - đào tạo chỉ có 1 triệu đồng...” Xin thưa, nếu doanh nghiệp không tài trợ thì lấy đâu ra các quĩ học bổng, giải thưởng khuyến học rầm rộ từ Bắc chí Nam?

Riêng cái gọi là “hội thảo khoa học, nghiên cứu khoa học” thì phải xem lại. Kinh doanh bền vững khi biết hướng về cộng đồng chứ không phải thuần túy làm nhà từ thiện. Quá nhiều “hội thảo khoa học” vô bổ, quá nhiều “nghiên cứu khoa học” hoặc sao chép, hoặc đại ngôn, thiếu tính thực tiễn. Bệnh hình thức, thích khoa trương và thói hư danh manh nha từ gia đình càng được sinh sôi nảy nở từ nhà trường.

Ngay cả hội thảo quốc gia “Đào tạo nhân lực ngành du lịch theo yêu cầu xã hội” được tổ chức tại TP.HCM ngày 7-3 càng làm tăng thêm sự nghi ngờ về tính hiệu quả. Thư mời hội thảo không ghi chương trình làm việc, không có tài liệu để đọc trước. Chỉ toàn các trường kể thành tích và tự giới thiệu, gần như vắng bóng lực lượng gọi là xã hội gồm các doanh nghiệp lữ hành (mảng đào tạo được xem là yếu nhất) và cả đại diện sinh viên (đối tượng được đào tạo). Hội thảo do Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trì cùng sự tham gia của mấy thứ trưởng.

Lúc khai mạc ước chừng 400 người, đến khi Phó thủ tướng kết luận hội thảo chỉ còn khoảng 100, hội trường vắng đến thấy sợ! Còn giải thưởng cũng vậy. Nếu đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao và biết cách PR thì chẳng sợ thiếu tiền. Hơn nữa, Bộ Giáo dục - đào tạo cũng chưa hẳn đã nghèo hơn các bộ khác mà nhiều khi còn xài sang, sĩ diện, quản lý kém rồi tự mình trói buộc mình.

Cổ nhân dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Phải! “Tự cứu mình trước khi trời cứu”. Các doanh nghiệp rất muốn gắn bó với nhà trường bình đẳng chứ không phải kiểu quan hệ “thầy - trò” vì cả hai cùng cần nhau.

Thay vì trách cứ, phê phán thì nên ngồi lại thẳng thắn trao đổi, hợp lực để thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển chứ không thể “mạnh ai nấy làm”. Một tín hiệu vui vừa được Bộ Giáo dục - đào tạo chỉ đạo các trường phải ký kết hợp tác các doanh nghiệp để hỗ trợ qua lại, gắn đào tạo lý thuyết của nhà trường với thực tiễn của doanh nghiệp. Phải hơn 30 năm sau giải phóng mới có sự chỉ đạo giản đơn mà thiết thực này, nhưng dẫu sao muộn còn hơn không.

NGUYỄN VĂN MỸ
(giám đốc Lửa Việt và Tavitour)
Trên Tuổi Trẻ cuối tuần

Không có nhận xét nào: