26/12/07

Khái niệm bản thân


KHÁI NIỆM BẢN THÂN



1. KHÁI NIỆM BẢN THÂN.

Khái niệm bản thân là cách mỗi cá nhân hình dung chính mình là người như thế nào ( có thể gọi là hình ảnh bản thân ) và chúng ta soi theo đó mà hành động. Nó không có sẵn khi con người được sinh ra mà được hình thành dần do cách đối xử, cách phản ứng của những người chung quanh đối với mình ( cha mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô giáo, đồng nghiệp…) và những trải nghiệm thành công hay thất bại của mình.

Khái niệm bản thân có thể thay đổi theo thời gian nếu có sự thay đổi trong cách ứng xử của những người chung quanh và trải nghiệm của bản thân (thành công hay thất bại trong học vấn, trong công việc hay trong mối quan hệ với người khác).


1.1. Khái niệm bản thân mang nhiều hình thức khác nhau :

• Hình ảnh cơ thể :

Ý thức về cơ thể, vóc dáng, đẹp hay xấu của mình, chúng ta có hãnh diện về cơ thể của mình hay không. Chúng ta hành động tích cực hay tiêu cực cũng do cách chúng ta tự đánh giá hay sự đánh giá của người khác về vóc dáng của mình. Người có khuyết tật thường hay bị trêu chọc luôn mặc cảm và ít chịu giao tiếp.

• Cái “tôi” chủ quan :

Cách một cá nhân nghỉ về chính mình ( tôi nghỉ tôi là…) và cái mà người khác đánh giá về mình ( có khi đúng, có khi sai ). Ví dụ : Tự đánh giá mình là người khó ưa đối với người khác.

• Cái “tôi” lý tưởng :

Cái “tôi” mà một cá nhân muốn trở thành ( về các mặt như ước vọng , gía trị, lý tưởng, đạo đức…),thường dựa theo một mẫu người được ngưỡng mộ hay ước muốn đi theo một lãnh vực hoạt động có ích cho xã hội.

• Và những cái “tôi” khác theo từng vai trò xã hội mà ta đang đảm nhận theo từng thời điểm của cuộc sống, theo nghề nghiệp, theo môi trường sống vv…


1.2. Các khuynh hướng của khái niệm bản thân :

Có ba khuynh hướng chính :

 Khái niệm bản thân có khuynh hướng sàng lọc : con người thường tiếp nhận những gì mình thích theo một khung gía trị sẵn có với xu hướng loại bỏ cái gì không phù hợp và giữ lại cái gì được coi là phù hợp với hình ảnh của mình.Môn học nào chúng ta không thích thì chúng ta cảm thấy khó khăn trong học tập, khi mở xem một tạp chí, chúng ta thường hay có khuynh hướng chọn ưu tiên xem trước hết các mục mà mình thích nhất.

 khái niệm bản thân có khuynh hướng hành động theo sự mong đợi của người thân ( hiệu quả Pygmalion ). Đó là sự nổ lực đáp trả lại khi có người khác ( cha mẹ, thầy cô ở trường học, lành đạo trong cơ quan..) quan tâm và mong đợi ở mình điều gì. Đứa trẻ cảm thấy mất định hướng và buông xuôi nếu sống trong một môi trường không có ai quan tâm và mong đợi gì nơi đứa trẻ.Trong một cơ quan làm việc, nếu lãnh đạo không mong đợi gì ở nhân viên thì nhân viên sẽ dễ dàng thờ ơ trong công việc của mình.

 Khái niệm bản thân có khuynh hướng tiên tri về sự tự thể hiện của một cá nhân ( người có kế hoạch cuộc sống cho chính mình ). Khi ta mong đợi ờ chính ta điều gì thì đó là động lực thúc đẫy ta hành động để vươn tới đích. Khuynh hướng tiên tri này có được khi cá nhân có khái niệm bản thân tích cực, có niềm tin ở chính khả năng của mình và ở tương lai.


1.3. Sự chuyển biến của khái niệm bản thân :

Khái niệm bản thân chuyển biến theo hướng tích cực hoặc tiêu cực là tùy theo các yếu tố sau :

 Sự suy nghĩ của một cá nhân về người khác mong đợi như thế nào về mình trong hành vi (suy nghĩ tích cực hay suy nghĩ tự hủy hoại ). Sự suy nghĩ này tùy thuộc rất lớn vào môi trường sống tác động lên cá nhân.

 Việc đảm nhận các vai trò được giao. Sự hoàn thành hay không hoàn thành vai trò xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến khái niệm bản thân và đến hành vi con người.

 Trải nghiệm khắc phục những khó khăn, cản trở, các mâu thuẩn trong các mối quan hệ, nguyên tắc, giá trị… gặp phải trong cuộc sống. Mỗi lần, cá nhân vượt qua được những thử thách của cuộc sống, cố gắng thích nghi được với môi trường mới, cá nhân tự cảm thấy mình trưởng thành hơn và vững tin hơn nơi chính mình.

 Việc nhận biết được các phản ứng khác nhau của những người khác trong những hoàn cảnh khác nhau : Ta làm việc giỏi, nhưng không nghe được những lời khen ngợi nào từ những người chung quanh để rồi ta không còn tin nơi chính mình là người làm việc giỏi nữa. Ta thất vọng và buông xuôi. Vấn đề quan trọng là chúng ta biết đánh giá đúng mức các phản ứng khác nhau của những người khác để có thể hiểu rõ hơn về mình và tự biết tự điều chỉnh, đó là một quá trình hoàn thiện nhân cách.

 Mức độ mong đợi nơi chính mình trong hành vi ( biết quyết định, tránh cái sai, dám làm cái đúng ). Sự mong đợi cao nơi chính mình sẽ giúp chúng ta có kỹ năng sống tốt hơn, tạo sức đề kháng vững chắc hơn trước cái xấu.

Tóm lại, khái niệm bản thân ( cảm nghĩ về mình ) và lòng tự trọng (tự đánh gía về mình) gắn bó với nhau mật thiết. Tự thấy mình không tốt thì sẽ hạ thấp lòng tự trọng và sự đánh gía về mình tùy thuộc vào các thành công hay thất bại trong quá khứ của cuộc sống.

Chúng ta tự nghĩ về chúng ta có đúng hay không đúng tùy thuộc vào mối tương tác giao tiếp với những người xung quanh mình, chúng ta bộc lộ con người chúng ta như thế nào và chúng ta nhận được sự phản hồi của người khác ra sao. Sự tương tác này được giải thích qua cửa sổ Johari.


2. CỬA SỔ JOHARI .

2.1. Mô tả cửa sổ Johari

Cửa sổ Johari được xây dựng bởi Joseph Luft và Harry Ingham, cho biết ở mỗi cá nhân khi tương tác với người khác có bốn ô tâm lý như sau :

• Ô 1 : Phần công khai ( ô mở ) :

Phần công khai bao gồm các dữ kiện mà bản thân và người khác đều dễ dàng nhận biết về nhau khi tiếp cận lần đầu tiên như màu tóc, vóc dáng, ăn mặc, giới tính … Đó là ô ta biết về ta và người khác cũng biết về ta.
.
• Ô 2 : Phần mù :

Phần mù bao gồm các dữ kiện mà người khác biết về mình, nhưng chính bản thân mình lại không nhận biết ví dụ như những thói quen ( nói nhanh, nói nhiều…), cố tật (nhìn lên trên hoặc nhìn xuống khi giao tiếp..), tính khí bất thường…Chúng ta chỉ có thể phát hiện được những dữ kiện này về mình khi được người khác phản hồi cho chúng ta biết và chúng ta chỉ nhận được những thông tin phản hồi này trong giao tiếp và nhất là khi có tương tác trong quá trình sinh họat trong nhóm nhỏ. Đây là ô ta không biết về ta, nhưng người khác lại biết về ta.


• Ô 3 : Phần che giấu :

Đó là các dữ kiện mà bản thân biết rõ nhưng còn che giấu chưa muốn bộc lộ cho ai biết và tất nhiên người khác không biết được như kinh nghiệm cá nhân, quan điểm, niềm tin, giá trị, tâm sự riêng tư…Những vấn đề này chỉ được bộc lộ dần cho người khác biết khi mối quan hệ giữa chúng ta và người khác đã có những cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Đây là ô ta biết về ta và người khác không biết về ta.


• Ô 4 : Phần không biết :

Phần không biết bao gồm các dữ kiện mà cả chính bản thân và người khác không biết đến và chỉ được khám phá khi bản thân có cơ hội giao tiếp nhiều ( nhất là ở nhóm nhỏ ) và có cơ hội bộc lộ khả năng của mình như năng lực, tiềm năng, năng khiếu, sự sáng tạo khi ta sống trong một môi trường tạo cho ta nhiều cơ hội và điều kiện để phát huy. Đây là ô ta không biết về ta và người khác cũng không biết về ta.

Theo Sigmund Freud, phần này thuộc về tiềm thức hay vô thức và được khám phá nhanh hay chậm tùy thuộc vào môi trường sinh hoạt ( nhóm, nơi học tập, nơi làm việc ) có tạo điều kiện nhiều hay ít cho chúng ta hội nhập.

2.2. Thông tin phản hồi :

Thông tin phản hồi là xu hướng mà người khác sẵn sàng chia xẻ thông tin với ta. Đó là thiện ý cởi mở của họ đối với ta. Trong giao tiếp, nếu ta thường cắt ngang và lấn áp ý kiến phản hồi của người khác bằng cách tranh luận về tình cảm và khả năng lĩnh hội của họ thì ta không nhận được thông tin phản hồi. Theo ông Haim Ginott thì mọi người phải được phép có bất cứ tình cảm gì họ muốn, tình cảm phải được thể hiện và thừa nhận, chỉ có hành vi mới được giới hạn. Đừng nói với người khác :" Anh đừng cảm nhận theo lối đó", hoặc " điều đó không đúng đâu ".

Ví như một bà mẹ với một cậu con trai đi ngang qua một cửa hàng bách hóa và khi đứa trẻ chú ý tới một chiếc xe đạp đẹp và nói :" Con thích chiếc xe đạp như thế kia quá !". Lẽ ra bà mẹ phải cảm nhận tình cảm của con, lại nạt :" Con thật không biết điều, bố mẹ vừa mới mua cho con một chiếc xe đạp lại muốn có một cái nữa. Rồi con sẽ ra sao nếu lúc nào con cũng đòi hỏi những thứ mới ?" . Đứa trẻ nghiệm ra rằng sẽ không bao giờ nói với mẹ bất cứ điều gì vì khi nói ra thì bị nạt.

Nếu không có thông tin phản hồi từ người khác, phần MÙ trở nên lớn hơn và cuối cùng sẽ hủy hoại tính hiệu quả của ta. Do đó cần tôn trọng, khuyến khích người khác chia sẻ cảm tưởng và nhận thức với mình. Sự phản hồi từ người khác và sự tự đánh giá sẽ giúp phát triển tính cách thông qua nhận thức.
2.3. Tự bộc lộ :

Tự bộc lộ là xu hướng của ta mong muốn chia xẻ với người khác. Bộc lộ trước hết không phải là cái ta nói về bản thân ta mà là về hành vi của ta. Bộc lộ chỉ thích hợp khi nó
có liên quan đến hoạt động của ta vì nếu cái gì cũng bộc lộ thì không còn gì hứng thú trong giao tiếp. Bộc lộ có thể thích hợp trong một môi trường này, nhưng lại không thích hợp trong một môi trường khác.

Tóm lại, hành vi con người bắt nguồn từ việc mong muốn thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của mình, từ việc tự đánh giá mình như thế nào, từ những cơ chế phòng vệ khi gặp những cản trở, khó khăn trong đời sống hằng ngày và từ các loại vai trò mà chúng ta muốn diễn khi tương tác với người khác.

Vì vậy, con người cư xử ra sao là kết quả của :

 Quan niệm của cá nhân về vai trò xã hội,
 Cái nhìn tích cực hay tiêu cực của riêng cá nhân, về chính mình và về người khác.
 Cái mạnh hay yếu của hình ảnh bản thân,
 Kết quả của cách thích nghi của cá nhân.

Nguyễn Ngọc Lâm

Không có nhận xét nào: